Vốn là giống chó bản địa của vùng núi phía Bắc, chó đuôi cộc được cộng đồng người Mông và một vài dân tộc khác nuôi phổ biến để giữ nhà và săn thú. Chó cộc đuôi có tính hoang dã do sống trong môi trường rừng núi hoang vu cũng như xuất thân từ chó sói rừng nên Mông cộc rất thông minh và thể hiện bản năng bảo vệ lãnh thổ của mình.
Khi được thuần hóa, giống chó Mông cộc trở thành biểu tượng tự hào của đồng bào Mông và được họ ví như “thần khuyển” cao nguyên đá. Nét đặc trưng và đặc điểm nhận dạng ra loài chó quý hiếm này chính là chiếc đuôi cộc đặc biệt của nó. Chó cộc đuôi đa số là không có đuôi hoặc đuôi ngắn tùy theo từng loại chó từ 3 – 5cm hoặc 8 – 15cm. Giống chó Mông cộc được chia thành 3 loại là cộc tịt, cộc thỏ và cộc lửng, trong đó cộc tịt và cộc thỏ được đánh giá cao hơn và được giới chơi chó săn lùng.
Còn dựa vào màu lông, người ta cũng có thể chia chó Mông cộc ra một số loại như: Cộc vện, cộc đen, cộc vàng, cộc trắng và “cộc lửa”. Trong đó, loại chó Mông cộc có lông đỏ, móng đỏ, mắt đỏ (gọi là “cộc lửa”) được liệt vào hàng quý hiếm và được săn lùng nhiều nhất.
Để “chiêm ngưỡng” cộc lửa sau khi vượt cung đường gần 500km từ Hà Nội đến Đồng Văn du khách chỉ có 3 cơ hội sau. Thứ nhất là “nằm vùng” ở cao nguyên đá để thăm những bản xa xôi trên đỉnh núi đá cao “chín tầng mây” để “săn” cộc lửa. Thứ hai là nhằm ngày chợ phiên (thường là thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần) khi dân bản mang chó xuống chợ bán và nếu may mắn bạn có thể mua được “cộc lửa”. Cuối cùng mới là cách bạn tìm đến các bác lái chó để lần tìm tung tích “thần khuyển” và nghe kể các giai thoại về chúng./.
Trọng Chính
Thế Công